Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Nhà giáo dục Nhật khuyên bố mẹ cách chọn đồ chơi cho con


Đừng mua cho con đồ chơi đắt tiền, bật nút là biết nói và bay nhảy hay ô tô điều khiển, đó là một trong những lời khuyên của nhà giáo dục hàng đầu Nhật Bản về lựa chọn đồ chơi giúp con thông minh, sáng tạo.

 Có một số điều bố mẹ cần lưu ý khi chọn đồ chơi cho con. Ảnh minh họa: Internet.

Mua cho con những đồ chơi sành điệu để không thua bạn kém bè, bắt con sách chỉ dùng để đọc, không được vẽ bậy vào, bắt con phải chơi đồ chơi đúng cách… đều là những sai lầm của bố mẹ khi mua đồ chơi cho con. Dưới đây là những quy tắc nhà giáo dục Nhật Bản Ibuka Masaru khuyên bố mẹ khi chọn đồ chơi và chơi với con.

Đừng mua cho con đồ chơi hoàn hảo đắt tiền

Bạn từng bỏ ra một số tiền lớn để mua cho con những em búp bê hoàn hảo, chiếc ô tô vài ba triệu cho con? Lúc đầu, các con nhãy cẩng lên vui sướng nhưng chỉ sau vài ngày món đồ chơi “đắt xắt ra miếng” đó bị bỏ xó. Đó có thể là sự thật cay đắng mà bố mẹ nào cũng từng một lần trải qua.

Nhà giáo dục Nhật Bản Ibuka Masaru cho rằng với trẻ mới sinh hay trẻ mẫu giáo, những món đồ chơi như vậy chỉ để ngắm, bấm nút để chạy qua chạy lại, chẳng có gì thú vị. Bố mẹ có thể mua một chiếc tàu khỏ điều khiển tự động đắt tiền, nhưng điều khiến trẻ con mê mẩn lại là tháo tung đường ray và lắp ghép lại theo ý mình.

Vấn đề ở đây là ở suy nghĩ của người lớn về đồ chơi. Chúng ta cho rằng đồ chơi thì phải thế này, thế nọ, nhưng với trẻ con, những đồ vật càng gần gũi với cuộc sống càng khiến trẻ say mê, thỏa mãn tính sáng tạo vốn có trong trẻ. Trong tâm hồn trẻ thơ, những thứ nhìn thấy, những thứ có thể chạm vào, đều là trò chơi.  Món đồ chơi dù đắt tiền đến mấy nhưng không khơi gợi sự tò mò, sáng tạo, cũng là món đồ không có gì hấp dẫn với trẻ

Đồ chơi không cần sử dụng đúng mục đích

Với người lớn, sách là để đọc, để xem, còn bộ xếp hình đương nhiên là để xếp những tòa nhà, máy bay. Nhưng với trẻ em, vai trò của những thứ này không dừng lại đó. Một cuốn sách có thể trở thành đường hầm cho ô tô qua lại, cuốn vở cho trẻ vẽ tranh, thậm chí bị xé ra để gấp con vật. Nếu người lớn quy định cứng nhắc là sách chỉ để đọc thì đừng mua sách cho trẻ còn tốt hơn, bởi như vậy chỉ đem lại hậu quả tồi tệ cho trẻ mà thôi. Một lúc nào đó khi lớn lên, trẻ sẽ nhận ra sách dùng để xem, để đọc là cách chơi thú vị nhất.

Thay vì  uốn nắn trẻ chơi cho “đúng cách” như hầu hết bố mẹ thường làm, chúng ta cần để trẻ chơi theo cách của riêng mình, chơi cách này hay cách kia đều là chơi cả, miễn là trẻ cảm thấy thích thú. Sự gò bó cứng nhắc của người lớn chỉ làm thui chột tính sáng tạo, thậm chí mất hứng thú chơi.

Hãy mua đồ chơi giúp trẻ cảm nhận “niềm hân hoan khi đạt mục tiêu”

Nếu mua những đồ chơi đã lắp ráp sẵn hoàn hảo, trẻ sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm hân hoan khi đạt mục tiêu, điều mà nền giáo dục đang thiếu, theo nhận định của Ibuka Masaru. Những thành quả khi đạt được sau khi đổ mồ hôi công sức bao giờ cũng làm người ta sung sướng, hân hoan hơn làm một việc biết trước kết quả. Những bộ đồ chơi bắt buộc trẻ em phải mày mò, dành công sức tỉ mỉ để thực hiện có thể là lựa chọn thông minh cho bố mẹ.

Đất nặn, đồ gấp giấy và cắt giấy là những trò chơi mộc mạc mà nuôi dưỡng trí sáng tạo cho trẻ, vượt xa những đồ chơi mới nhất trên thị trường. Những đồ chơi này đều có đặc điểm chung là nếu để nguyên như vậy chúng chẳng có hình thù gì đặc sắc, nhưng với sự công phu sáng tạo của trẻ sẽ có nhiều đồ vật độc đáo, ngộ nghĩnh. Những trò chơi như thế này mới kích thích sự phát triển tư duy tột bậc của trẻ, khi bộ não của chúng đang trong tiến trình hoàn thiện từng ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét