Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Những món đồ chơi tuyệt đối không nên tặng trẻ dịp Trung thu



Để chọn được một món đồ chơi thích hợp cho trẻ là cả một nghệ thuật. Vì nếu chúng ta không chọn đúng thì sẽ vô tình mang đến cho trẻ những tai họa khó lường và tệ hơn là mang lại những hệ lụy không tốt cho trẻ sau này.
Trong ngày Tết trung thu các ông bố, bà mẹ ai cũng muốn dành cho con mình những món quà ý nghĩa nhất. Đôi khi bố mẹ sẽ không thể chiều theo ý con, tuy nhiên chúng ta không thể thẳng thừng gạt phăng sở thích của con mà cần định hướng và giải thích vì sao nên chọn và vì sao không nên chơi những món đồ chơi đó.
Dưới đây là những món đồ chơi được coi là “sát thủ” hại bé mà bạn nên tránh mua cho trẻ vì nó gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ.
1. Đồ chơi kinh dị, kỳ quái
Bên cạnh những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân... thì ngày nay có vô số những loại đồ chơi mà đến người lớn nhìn còn hãi hùng. Nào là mặt nạ quỷ dữ, phù thủy, đầu lâu, xương chéo, yêu tinh,... Rồi có cả đồ chơi hình quái thú, xương người, phân người...

Trẻ con rất hay đua theo bạn bè và ưa thích những món đồ lạ mắt này. Ở tuổi của các con chưa hiểu hết được sự độc hại ảnh hưởng cả về sức khỏe, thể chất và tâm hồn nên thấy lạ sẽ thích. Các ông bố bà mẹ không nên chiều theo ý thích cá nhân của trẻ bởi những món đồ kinh dị sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ.
2. Đồ chơi bạo lực

Nhiều phụ huynh than trời, cái thời trẻ con mê đắm, lưu luyến các loại đồ chơi như búp bê, gấu bông, xếp hình... đã trở thành “ngày xưa ơi” mất rồi! Nhiều trẻ giờ thích lựu đạn, súng bắn ra... máu, mặt nạ quỷ.
Điển hình, các loại súng nhựa, súng phun nước, súng đạn giả, súng laze, mặt nạ kỳ quái… luôn lọt vào “mắt xanh” của các em nhỏ. Súng điện tử có đủ loại, khi bắn phát ra âm thanh có đèn lóe sáng, súng bắn nước, súng bắn đạn, súng laze. Riêng súng bắn đạn cũng có nhiều loại: đạn là những hòn bi, khi bắn văng ra rất xa, rất nguy hiểm. Hơn thế nữa những món đồ chơi này sẽ khiến những đứa trẻ trở nên hiếu chiến, thích đấm đá, bạo lực... Chính bởi vậy các vị phụ huynh không nên mua cho các con những món đồ chơi này.
3. Đồ chơi phát sáng, có âm thanh chói tai
Nhiều bậc phụ huynh mua cho trẻ những đồ chơi nhiều màu sắc, chạy bằng pin và phát ra những tiếng nhạc to rồi ánh sáng chói và nghĩ trẻ thích. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thị giác và thính giác của trẻ.
4. Lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã tiến hành kiểm nghiệm đối với 2 mẫu đèn lồng nhựa Trung Quốc đang bán trên thị trường. Kết quả cho thấy muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam. Cd là chất được sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa. Đó cũng là một trong ba kim loại (hai loại còn lại là chì và thủy ngân) độc hại nhất với cơ thể người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi...
Theo giới chuyên môn cho biết, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm đèn lồng là có thể bị thôi nhiễm Cd. Đèn lồng nhiễm Cd với hàm lượng quá cao sẽ tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.
5. Ô tô, búp bê từ nhựa không có nguồn gốc

Thường để giảm giá thành, các nhà sản xuất không uy tín có thể sử dụng các loại nhựa phế thải để sản xuất đồ chơi.

Việc sử dụng các loại nhựa không bảo đảm chất lượng có độc tính cao hoặc thành phần nhựa có chứa lượng phthalate cao sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cho cả bé gái lẫn bé trai...
Tiêu chí của đồ chơi an toàn

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ KH&CN cho biết: Theo quy định, đồ chơi của trẻ em phải đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về hợp chất hữu cơ độc hại (chất lỏng và formaldehyt).

Chất lỏng có trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Riêng trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi, các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30mg/kg.

Chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30mg/kg.

Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt
Những đồ chơi có mùi lạ như mùi nhựa cháy, mùi khét, mùi hăng cũng cần tránh xa. Không nên chọn mua các loại đồ chơi bằng nhựa PVC (nhựa tổng hợp) mà nên chọn đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng.
Cần chú ý đến kích thước, trọng lượng của đồ chơi, đề phòng bé làm rơi gây đau chân, tay hoặc nếu quá nhỏ dễ nuốt... Không cho trẻ ngậm, mút, liếm đồ chơi. Chọn và giữ đồ chơi của con thật sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên cho bé bằng nước sạch.
Với các loại đồ chơi trẻ em dùng điện, không được dùng nguồn điện có điện áp vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp vượt quá 24V. Dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét