Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Tìm hiểu để biết rõ về bệnh tay chân miệng ở trẻ.



Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em. Cha mẹ cần có kiến thức để phòng tránh tốt nhất cho con trẻ.

Nguyên nhân
Bệnh TCM do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses (điển hình là virus coxsackle A16) và Enterovirus 71 gậy ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi) và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuýp Enterovirus 71 không những là tác nhân gây nên bệnh TCM mà đôi khi, chúng còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ương.
Hiện nay loại virus gây bệnh này tại Việt Nam không phải là một tuýp virus mới nhưng đặc tính của chúng có độc tính rất mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương, gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng và hậu quả để lại xấu. Do vậy bệnh cần được phát hiện sớm để có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh để diễn biến xấu.
Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 trong năm. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ ho, hắt hơi.

Biểu hiện của bệnh
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Đó là khi virus đã xâm nhập vào cơ thể, thường trú ở khu niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột. Sau khoảng 24 giờ, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, xâm nhập vào máu để phát triển, gây nhiễm trùng huyết trong một khoảng thời gian ngắn rồi đến niêm mạc miệng và da. Người bệnh thường không có dấu hiệu bệnh đặc hiệu, nhiều khi biểu hiện như bị viêm đường hô hấp trên.
Sau 3 – 7 ngày bị nhiễm virus, bệnh khởi phát sẽ có biểu hiện ban đầu là sốt, tiếp theo là nổi ban và phỏng nước. Cụ thể bệnh nhân sốt cao, chán ăn, rất mệt và thường kèm đau họng.
Sau sốt 1 – 2 ngày, miệng đau tăng lên và xuất hiện các chấm đỏ, rồi phát triển thành các bọng nước và vỡ ra, tạo nên các vết loét chợt tại lưỡi, lợi, má trong, hầu họng. Đồng thời da ở lòng bàn tay, gan bàn chân và miệng nổi ban không ngứa, sau thành mụn nước. Đôi khi ở miệng chỉ biểu hiện đơn thuần lở loét.
Ngoài ra một số trường hợp có thể xuất hiện ở một số vị trí khác trên cơ thể như mông, lưng và đùi. Các bọng nước ở miệng thường vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ không dám ăn nên gầy và sút cân nhanh.
Các bọng nước ở tay chân khi vỡ ra, nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ thì rất có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và khiến cho bệnh phức tạp thêm.
Biến chứng của bệnh
Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ qua khỏi. Nhưng nếu căn nguyên gây bệnh là Enterovirus 71, bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn. Nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện một bệnh viêm màng não điển hình. Biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt. Mọi lứa tuổi có thể bị nhiễm Enterovirus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những người không có miễn dịch chống lại Enterovirus.
Cần phát hiện sớm các biến chứng để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời. Những biến chứng thường gặp như viêm màng não, viêm não màng não liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Trên cùng một bệnh nhân có thể có nhiều biến chứng như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim.
Khi có biến chứng, trẻ thường có biểu hiện sốt cao, li bì, quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ, giật mình, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân quờ quạng, run rẩy, co giật. Nặng hơn, trẻ có các biểu hiện như co giật nhãn cầu, nôn mửa liên tục, gáy cứng, méo miệng, nổi vân tim, lờ đờ, kích thích vật vã, yếu tứ chi, hôn mê, mạch nhanh, huyết áp tụt và có dấu hiệu suy hô hấp như thở khò khè, tim, cánh mũi phập phồng.
Điều trị
Hiện nay chưa có thuốc tiêm phòng hoặc điều trị hữu hiệu. Bệnh thường tự khỏi trong vòng 2 – 7 ngày. Điều trị triệu chứng sốt và giảm đau bằng thuốc paracetamol. Cho uống dung dịch oresol hay truyền dịch để chống mất nước. Chăm sóc trẻ bằng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, súc miệng nước muối ấm sau bữa ăn. Chú ý bổ sung cho trẻ các loại nước trái câu giàu vitamin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét