Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chăm sóc mẹ sau sinh

Sau chín tháng mười ngày mang thai và sinh con, cơ thể người phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi. Vì vậy việc chăm sóc sau sinh đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp cho cơ thể người phụ nữ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.

Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Một trong các khó chịu sau sinh là vết cắt tầng sinh môn. Khi cần, bác sĩ có thể cho bạn thuốc giảm đau. Bạn sẽ được chăm sóc vết thương, hướng dẫn cách vệ sinh đúng cách cho đến khi vết cắt lành. Khi đi tiểu hay đại tiện, bạn phải nhớ luôn lau từ trước ra sau để tránh lây nhiễm vào vết cắt đang lành.

Nghỉ ngơi sau khi sinh

Đây là thời gian cần thiết để lấy lại sức lực. Bạn sẽ bận bịu trong việc cho bé bú và thay tã. Bạn phải tranh thủ nghỉ ngơi khi có thể. Chồng bạn có thể giúp bạn những việc có thể làm được.

Dinh dưỡng sau khi sinh


- Bạn nên bảo đảm dùng đủ năng lượng cần thiết khi cho bé bú.
- Việc dùng chế phẩm vitamin, canxi và bổ sung sắt rất cần nếu bạn cho bé bú.
- Bạn nên uống nhiều sữa, nước ép trái cây.
- Tránh dùng các thực phẩm quá mặn hoặc quá nhiều gia vị hay khó tiêu.
- Tránh dùng các thức uống chứa cafein như cafe, trà, socola.

Vận động sau khi sinh

- Nên vận động khi bạn có thể. Để tránh rỉ sữa, bạn nên cho bé bú trước rồi hãy vận động.
- Việc vận động giúp bạn sớm lấy lại được vóc dáng ban đầu. Vận động giúp tăng cường sức cơ.
- Bạn có thể bế bé đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trong 10 phút.

Một số vấn đề khi cho bé bú mẹ

1. Căng sữa
- Vài ngày sau khi sinh, có hiện tượng căng sữa gây cảm giác bầu vú nóng, nặng và cứng cho sản phụ. Nhưng sữa vẫn chảy tốt.
- Nên cho bé bú thường xuyên để hút bớt sữa ra. Trong vòng 1-2 ngày, vú mẹ sẽ tự điều chỉnh và hết căng.

2. Cương tức tuyến vú
- Do vú quá căng, các mô phù nề làm cản trở lưu thông sữa. Bầu vú căng to, bóng, phù nề gây đau, có thể sốt. Sữa không chảy ra.
- Nên dùng gạc đắp, xoa bóp vú nhẹ nhàng, vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa để sữa thoát bớt ra ngoài. Cố gắng cho bé bú thường xuyên hơn.

3. Viêm vú
- Hậu quả do cương tức tuyến vú không được điều trị kịp thời. Một bên vú rất đau, sưng cứng, đỏ da, kèm sốt.
- Nên nghỉ ngơi, đắp gạc ấm, đi bác sĩ khám để được cho thuốc điều trị.

Sử dụng thuốc trong thời gian cho con bú

- Có một số thuốc chống chỉ định dùng cho bà mẹ cho con bú. Một số thuốc có tác dụng phụ mà đôi khi cần phải ngưng việc cho con bú sữa mẹ.
Do đó, trong thời gian cho con bú, khi bị bệnh, bạn nên đi bác sĩ khám.
- Bà mẹ cho con bú chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và khi thật sự cần thiết.

Vệ sinh cá nhân

- Sản phụ nên tắm rửa vệ sinh hàng ngày. Nếu bạn có vết mổ bắt con hoặc vết cắt tầng sinh môn, bạn nên hỏi nhân viên y tế cách vệ sinh thân thể phù hợp.
- Lau rửa bầu vú và núm vú trước mỗi lần tắm. Tránh thoa xà phòng lên núm vú vì có thể gây khô da đầu núm vú.

Sinh hoạt tình dục sau khi sinh

- Kinh nguyệt của bạn chỉ có lại trong 4-10 tuần. Nếu bạn cho bé bú mẹ, thời gian có kinh trở lại sẽ dài hơn. Tuy nhiên, dù bạn có cho bé bú hay không, trứng vẫn rụng và bạn vẫn có thể có khả năng có thai trước khi có kinh trở lại.
- Sau khi sinh, sản phụ chỉ nên quan hệ tình dục trở lại khi đã cảm thấy khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Không nên quan hệ tình dục khi vết khâu tầng sinh môn hay vết mổ lấy thai chưa lanh sẹo hoàn toàn. Tốt nhất nên kiêng quan hệ tình dục tối thiểu từ 3-6 tuần sau khi sinh.
                                                                                                                                      chamsocmevabe.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét